Follow US

    

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Tản Mạn Gò Công



Gò Công, một địa danh từng lưu dấu trong tiềm thức con người Nam kỳ lục tỉnh hàng trăm năm trước.Hôm nay, đất và người Gò Công vẫn còn đây đó những dấu tích khắc ghi thời son sắc và những hoài bão hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.

Gò Công, mảnh đất được khai phá đầu tiên, hình thành và phát triển cùng thời điểm 300 năm với Sài Gòn - Gia Định, Đồng Nai - Bến Nghé. Thời gian dần trôi, trải qua biết bao biến cố thăng trầm, đất và người Gò Công đã đóng góp ít nhiều vào trang sử bi tráng và hào hùng của mảnh đất nổi tiếng Địa linh nhân kiệt.


Gò Công rạch Lá nhớ nhung
Quê xưa Võ Tánh, Trương công oai hùng
Lạc loài cách bến xa sông
Gió thu hiu hắt chạnh lòng cố hương.

Quay về quá khứ thời khai phá và quật khởi của đất và người Gò Công, mảnh đất địa linh nhân kiệt, tên đất, tên người gắn liền với những điển cố, giai thoại, mà người Gò Công vẫn còn lưu giữ làm di tích lưu truyền cho hậu thế. 

Nam Phương Hoàng Hậu

Đó là Gò Chim Công nói lên ý nghĩa nơi đất lành chim đậu; lòng thương nước thương dân của Võ Tánh, Trương Định; ý chí ăn học, thi thố khoa cử của Cống sĩ Phạm Đăng Hưng ở giồng Sơn Quy và nhan sắc Gò Công của 02 bậc mẫu nghi thiên hạ Từ Dũ và Nam Phương hoàng hậu.

Là cửa ngõ giao thương ra biển lớn và đi sâu vào nội địa đất liền của 02 vùng kinh tế lớn phía Nam của cả nước là vùng vựa lúa và nuôi trồng thủy sản nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long .Về với Gò Công bạn sẽ bị cuốn hút bởi hương vị mắm tôm chà Gò Công, một đặc sản làm từ con tôm bạc, tôm đất của đồng lúa, sông ngòi Gò Công .

Một sản vật được tạo ra từ nghệ nhân xóm Ông Non Gò Công, đó là tủ thờ cẩn ốc xà cừ độc đáo, dùng để trang hoàng nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà và cũng là của cải nói lên sự sung mãn, truyền thống nho phong sĩ khí của gia đình, dòng họ và đang được gìn giữ, phát huy. Hiện đang được trưng bày tại đền Hùng tỉnh Phú Thọ và nhiều nơi tôn nghiêm khác trong nước.

Cây sơ ri cũng là một trong những đặc sản Gò Công từ bao đời nay . Vườn sơ ri sum suê cho trái chín quanh năm, những mối tình son sắc bên vườn sơ ri trở thành những bài ca trữ tình làm lưu luyến khách mấy độ về Gò Công.

Về Gò Công, người lữ thứ trở về cố hương hay  vừa mới đến chắc hẳn không thể bỏ qua chuyến du ngoạn biển Tân Thành. Vừa ngắm sóng biển rì rầm bờ bãi vừa thưởng thức các món đặc sản biển, vừa hoài niệm về những chuyện tình trên quê biển Gò Công nên thơ và vương vấn ngày nào.

Ước chi anh như đám dừa xanh cuối sông Vàm cỏ,
Như rặng trâm bầu đón gió cửa Cửu Long.
Để được sống bên em giữa muôn trùng sóng vỗ. 
Ơi người anh yêu, người con gái Gò Công.

Nghề Làm Mắm Tôm Chà



Nghề làm mắm phải dựa vào 2 con nước trong tháng để có tôm. Tôm bạc phải lựa cùng loại và thứ thiệt tươi, cắt bỏ đầu đuôi, rửa sạch để cho ráo nước, ướp muối, quết hoặc đưa vào cối đá xay nhuyễn. Xong đậy kín và phơi nắng trong 2 ngàỵ Sau đó dùng 1 loại cối có lỗ li ti dưới đáy để chà ép lấy nước thịt tôm và nêm thêm các loại gia vị như đường, muối, bột ngọt, tinh bộ ớt (không vỏ, không hột),thành 1 dung dịch sền sệt màu hồng nhạt.

Dung dịch này cũng như phần bã sau khi ép, được đem ra phơi nắng trong 1 tuần lễ nếu nắng tốt, hoặc 10 bữa, nửa tháng nếu nắng yếu, cho đến khi mắm sệt hẳn lại và phần bã cũng khô ráo . Phải 3 ký tôm mới được 1 ký mắm tôm chà mịn màng thơm dịu và khoảng 1/2 ký " bánh tôm khô chà" đậm đà hương vị ...tôm. Nói nghe thì dễ chứ làm thì thật công phu .

Chỉ cần lựa tôm không cùng loại, hoặc tôm không thật tươi, nắng không được tốt, đậy điệm không kỹ, đồ đựng không sạch, nêm gia vị lố taỵ... thì ôi thôi, mắm không phải màu hồng nhạt mà có thể xỉn màu mắm ruốc, mà hương vị cũng chẳng còn thơm dịu ngọt ngào .

Chẳng biết ngày xưa bà Từ Dũ ăn mắm tôm chà thế nào, chứ ngày nay dân ta thích ăn mắm với bún và thịt luộc.

Bún thì phải là thứ bún sợi nhỏ, thịt thì phải là thịt nách có lớp da mềm mỡ mỏng, luộc vừa chín tới, thái miếng vừa ăn( đừng mỏng như lưỡi dao lam...ăn mất ngọt), chuối chát, khế chua, dưa leo và rau sống đủ loại ( nhớ là phải có ngò gai mới dậy mùi).

Cho vào chén: bún trắng ở dưới, các loại rau xanh lên trên, thịt hồng đào lên trên nữa, cho 1 " nhẻo" mắm tôm chà lên trên hết ...ôi, một hợp sắc ngon mắt ! và sau đó, lùa cả cái " hợp sắc" trên vào cái " thần khẩu" , hợp sắc trên hoà quyện cùng nước bọt tạo thành 1 hợp vị ngon đến lạ lùng.

Và nếu bạn có dịp cầu thân với chủ lò, xin (vì không có bán) được một miếng " bánh khô tôm chà" thì cho thêm vào hợp vị nêu trên, nhấp thêm một ngụm đế Gò Dden chính hiệu, tưởng rằng làm vua cũng chưa chắc đã được ăn ngon bằng.

Nếu bạn có dịp về thăm Gò Công, du lịch bãi biển Tân Thành, thăm đền thờ Trương Định, khu lăng mộ Hoàng Gia (thân tộc bà Từ Dũ), sau khi thưởng thức các món đặc sản như nghêu ốc hương Tân Thành, bánh bía, bánh bò Gò Công, nhớ mua 1 hũ mắm tôm chà, đem về cho cả nhà thưởng thức hương vị quê hương Nam Bộ, trong đó có cả một thiên huyền sử.

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Nước chấm của Hoàng gia




Ở Gò Công mấy trăm năm qua nói đến nước chấm người ta thường nhắc một đặc sản thượng hạng, từng được dọn trong những bữa yến tiệc trong Hoàng triều từ thời Thiệu Trị nên được dân gian xưng tụng là “nước chấm của hoàng gia” , xuất thân của món này hết sức dân dã, đó là mắm tôm chà.

Mắm tôm chà Gò Công pha với tỏi, ớt, chanh, đường cho ra nước chấm thượng hạng, ăn với bánh tráng rau sống, thịt luộc, tôm luộc thì… hết chỗ chê!

Ở Gò Công người ta thường thấy các bậc kỳ lão khi nhậu vô vài ly rượu đế với món ăn có nước chấm là mắm tôm chà thì khoái chí kể con cháu nghe rằng, thời Pháp thuộc mấy ông quan địa phương muốn lấy lòng các quan Tây nên buộc dân chúng xứ Gò phải làm mắm tôm chà để đem cống nạp.

Các quan bản xứ hướng dẫn quan Tây ăn mắm ra sao, chỉ thấy ông Tây bà đầm thường quệt mắm tôm chà nguyên chất vào miếng bánh mì xăng-quýt thay bơ, phó-mát vừa ăn vừa xuýt xoa khen “très bien!” .Từ đó dân phải chạy kiếm tôm bạc đất làm món mắm tôm chà này cống nạp không kịp thở.

Cũng có người nói, giữa trưa đói bụng mà bốc một cục cơm nguội quệt chút mắm tôm chà nguyên chất bỏ vào miệng thì không còn gì tuyệt bằng.